Sau khi bạn là xong thủ tục rút tên khỏi công ty thì bạn phải làm thông báo chuyển nhượng phần vốn góp theo luật định.

Thưa luật sư, xin hỏi: Tháng 2 năm 2016 tôi có hợp tác với một công ty singapore (chuyên về dịch vụ hỗ trợ vận tải) để thành lập một công ty TNHH 2 thành viên tại Việt Nam, Trên giấy phép kinh doanh thể hiện tôi là giám đốc của công ty, tỷ lệ góp vốn bao gồm: tôi 20%, công ty singapore 80% nhưng thực tế thì 100% số vốn là do họ bỏ ra.
Tháng 11/2016 bên Singapore yêu cầu tôi nhận làm một số lô hàng chuyển cảng của họ nhưng tôi từ chối vì quy định của Việt Nam không cho phép. Hiện tại họ ngừng hỗ trợ vốn cho công ty ở Việt Nam để hoạt động trong khi công ty đang cần vốn hoạt động để hòa vốn (theo tính toán thì tới tháng 11/2017 công ty mới hòa vốn và bắt đầu sinh lãi) , họ không hỗ trợ vốn để ép tôi làm theo yêu cầu trước kia của họ. Hiện tại có cách nào để tôi có thể rút khỏi, không còn liên quan tới công ty nữa để làm kinh doanh riêng không? và về thủ tục thì tôi phải làm sao? tôi có cần phải đàm phán để nhận được sự hợp tác của họ không? nếu họ không đồng ý thì tôi phải làm sao? tôi không biết phải làm như thế nào để đúng và không vi phạm pháp luật ?

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Bộ Luật Dân sự năm 2015
Luật Doanh nghiệp năm 2014

2. Luật sư tư vấn:
Trường hợp của bạn là công ty TNHH này đã được thành lập trái với Luật doanh nghiệp năm 2014 vì đã có sự gian dối về tỷ lệ góp vốn ở đây. Nhưng chúng tôi không bàn tới vấn đề này. Mà vấn đề ở đây là làm sao bạn rời khỏi công ty đó.
Tốt nhất là bạn nên đến thương lượng, thỏa thuận với các thành viên khác trong công ty này. Trên giấy tờ bạn vẫn là thành viên góp vốn trong công ty nên Căn cứ Khoản 2 Điều 51 Luật Doanh Nghiệp năm 2014 quy định về trách nhiệm của thành viên góp vốn Công ty TNHH 2 thành viên trở lên như sau:
“2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này.”
Như vậy, trường hợp này để không muốn liên quan đến công ty thì bạn có thể chuyển nhượng phần vốn góp hoặc công ty sẽ mua lại phần vốn góp của bạn. Mua lại phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện theo quy định tại điều 52, 53 của Luật Doanh Nghiệp năm 2014.
Căn cứ Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì bạn có quyền : “Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 52 thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.”
Thủ tục chuyển toàn bộ vốn góp của bạn như sau: Căn cứ Điều 53 Luật doanh nghiệp năm 2014:
” Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”
Sau khi bạn là xong thủ tục rút tên khỏi công ty thì bạn phải làm thông báo chuyển nhượng phần vốn góp theo luật định . Sau đó làm thủ tục thay đổi thành viên và chuyển nhượng phần vốn góp đăng ký tại Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Trong trường hợp hội đồng thành viên không đồng ý với cách của bạn vì thực chất bạn không có vốn trong ty thì bạn có thể nhờ Tòa án tuyên hợp đồng hợp tác của bạn và bên Singapore vô hiệu Căn cứ vào Điều 117 Bộ Luật Dân sự năm 2015 do vi phạm điều cấm của pháp luật. Ở đây là bất hợp pháp vì có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh Theo Khoản 4 Điều 17 Luật Doanh Nghiệp năm 2014 ( bạn phải có băng chứng chứng minh 20% vốn góp mang tên bạn là của bên Singapore bỏ ra ). Khi đó có thể bạn sẽ chịu một phần trách nhiệm trong việc này.