Do đó nếu gia đình bạn có nhu cầu muốn được bảo đảm quyền lợi thì gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi trực tiếp lên trên cơ quan Toà án.

Chào luật sư, tôi và gia đình có 1 vấn đề nhờ luật sư tư vấn giúp. Cuối năm 2016 dì tôi bị tai nạn giao thông và nứt xương vai. Chúng tôi vẫn hoàn tất thủ tục phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện nhưng sau khi hồi phục dì tôi vẫn nghe đau nhức ở vai nên đã đến bệnh viện kiểm tra lại và phát hiện 1 que hàn còn dính vào xương vai ( mà theo bác sĩ nói là do lúc phẫu thuật đã làm gãy que hàn và kẹt lại trong đó).
Sau đó chúng tôi khiếu nại lên bệnh viện thì phía bệnh viện nói sẽ chịu chi phí phẫu thuật lấy que hàn đó ra là 12 triệu, còn chi phí ăn uống và điều trị thuốc men gia đình tôi tự túc. Lẽ ra sự việc này bên bệnh viện phải chịu hoàn toàn mọi chi phí chứ không phải chỉ là chi phí phẫu thuật. Vì để đảm bảo sức khoẻ và sự an toàn chúng tôi không điều trị ở bệnh viện đó nữa mà chuyển sang bệnh viện quốc tế. Và lúc này bệnh viện cũ lại nói nếu mổ ở bệnh viện khác thì họ sẽ không chịu bất kì chi phí nào hết. Chúng tôi tiếp tục khiếu nại thì họ chỉ hỗ trợ 5 triệu tiền viện phí. Vì tình trạng đau nhức của dì nên gia đình bàn bạc sẽ điều trị cho dì trước mọi khiếu nại để sau. Khi phẫu thuật bệnh viện mới đưa cho chúng tôi tất cả các loại vít, ốc, nẹp inox và cả que hàn dài hơn 1cm cắm trong xương vai của dì tôi suốt mấy tháng qua. Nay dì tôi dần hồi phục và tôi muốn kiện cách làm viện tắc trắc, thiếu trách nhiệm của bệnh viện cũ. Vậy tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì và khởi kiện như thế nào anh chị tư vấn giúp tôi. Tôi và gia đình chân thành cảm ơn.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

2. Luật sư tư vấn:
Theo dữ liệu bạn đưa ra chúng tôi có thể xác nhận bệnh viện nơi khám chữa bệnh cho dì bạn đã có hành vi thiếu trách nhiệm khi khám chữa bệnh. Do đó nếu gia đình bạn có nhu cầu muốn được bảo đảm quyền lợi thì gia đình bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi trực tiếp lên trên cơ quan Toà án.
Đơn khởi kiện được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.”
Như vậy, để khởi kiện, quý khách phải làm hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện có đầy đủ nội dung nêu trên;
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện;
– Giấy tờ chứng minh nhân thân của người khởi kiện
Sau khi hoàn thành hồ sơ kiện, quý khách gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở. Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của quý khách và gửi giấy hẹn trả lời có thụ lý hay không vụ việc của quý khách.
“Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
4. Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”