Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.

Nhờ luật sư giúp em chuyện như vầy. Em có kiện được bạn trai cũ của mình không ạ. Tình hình là em với bạn trai em quan hệ với nhau có thai ạ. Em với bạn em quan hệ vào 08/2013 em sinh năm 18. 09. 1996. Tức là em đã tròn 16 tuổi gần 17 tuổi. Lúc ấy thì bạn trai em có quen 1 người con gái mấy năm rồi thì gặp em.
Sau khi em có thai thì bạn có chăm nom cho em thời gian đầu sau bạn trai em quay lại với người yêu cũ và chấp nhận nuôi con trai em lâu lâu vẫn qua đón con. Nhưng 1 năm đầu thôi 2 năm sau thì em đưa con về quê sống luôn. Em đã nói anh chu cấp cho con nhưng chỉ được đúng 2 lần còn sau đó anh bảo ” chưa chắc là con anh vì chưa xét nghiệm, nếu không là con anh đi nữa anh cũng sẽ nuôi chứ anh không chu cấp. ” hiện tại em đã nói anh ấy nhiều lần về việc chu cấp nhưng anh chỉ làm lơ không nói gì. Nếu em muốn kiện thì có thể kiện được không ạ. Nhờ luật sư giúp em. Em cảm ơn.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Bộ Luật Hình sự 1999
Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quốc hội

2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, khi hai bạn quan hệ thì bạn đã trên 16 tuổi, pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định tội danh trong trường hợp giao cấu với người từ đủ 16 tuổi trở lên khi có sự đồng thuận, bởi vậy không thể khởi kiện bạn trai bạn về các tội danh quy định trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009.
Thứ hai, về việc cấp dưỡng. Do bạn và bố cháu bé không đăng ký kết hôn, nên pháp luật không công nhận là vợ chồng, tuy nhiên không có đăng ký kết hôn thì vẫn không ảnh hưởng đến quan hệ cha con và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con bạn.
Điều 50 của Luật Hôn nhân gia đình quy định cụ thể như sau:
“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này”.
Trường hợp của bạn, do hai bạn không đăng ký kết hôn, bạn muốn cha đứa bé cấp dưỡng cho đứa bé thì bạn phải xác định quan hệ cha con của hai người này. Về việc xác nhân quan hệ cha – con, nếu cha đứa bé không chịu nhận con, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cha đang cư trú, làm việc để yêu cầu xác định cha – con và sau khi đã xác định cha con rồi mà cha của đứa bé không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì bạn có thể yêu cầu Tòa án buộc cha đứa bé cấp dưỡng nuôi con. Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Tòa án sẽ dựa trên căn cứ sau để xác định mức cấp dưỡng cụ thể của người cha phải cấp dưỡng cho con:
– Căn cứ vào thu nhập của cha đứa bé
– Khả năng thực tế của cha đứa bé
– Nhu cầu thiết yếu của con.