Việc bố quý khách có đồng ý hay không, không mang tính ảnh hưởng pháp lý đến việc lập di chúc của bà.
Kính chào luật sư, tôi xin được trình bày vấn đề về thừa kế, mong luật sư xem xét tư vấn giúp ạ. Tôi xin cảm ơn. Ông bà nội tôi có mua nhà bằng giấy tay (đã mua từ lâu) và ông nội tôi mất cũng đã lâu. Mấy năm trước đã làm sổ quyền sử dụng đất đứng tên bà nội tôi. Nay bà nội tôi 83 tuổi, theo tôi bà nội sức khoẻ đã kém, không còn minh mẫn.
Bà nội tôi có 5 người con, ba tôi là anh cả. Xin phép nói riêng về ba tôi luôn bị thiệt thòi ở bên nội, là anh cả nhưng không có tiếng nói lẫn sự tôn trọng. Chú 3 tôi là người rất ranh mãnh, luôn muốn sắp xếp mọi việc. (ba tôi vẫn còn trong sổ hộ khẩu nhà bà nội) bên nội tôi muốn họp gia đình, và nói ba tôi về phương án như sau, chuyển cho cậu út tôi đứng tên để sửa lại căn nhà và sau này làm nơi để tập trung anh em. Cho tôi xin phép được hỏi: 1/ Nếu như ba tôi không đồng ý (bởi vì chuyển chủ quyền sẽ không còn quyền lợi) thì bà nội (bị dụ dỗ) có thể lập di chúc cho cậu út không. 2/ Ba tôi có hưởng được quyền lợi gì không và nếu không ba tôi có thể nhờ luật pháp can thiệp/tranh chấp được không. 3/ Nếu bà nội lập di chúc, có cần chữ ký và đồng thuận của ba tôi không. 4/ Nếu bà nội tôi lập di chúc bất chấp sự đồng thuận của ba tôi (bởi vì bà nội không còn minh mẫn, nhưng có thể sự can thiệp của cô chú để hoàn thành di chúc) thì có hợp pháp không. Tôi xin cảm ơn. Kính mong hồi đáp. Chúc văn phòng luật sư đạt nhiều thành công.
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật dân sự năm 2015
2. Luật sư tư vấn:
Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Căn nhà cùng quyền sử dụng đất được đứng tên bà nội quý khách nên theo quy định về quyền sở hữu trong Bộ Luật dân sự năm 2015, bà nội quý khách có toàn quyền định đoạt khối tài sản trên. Như vậy, việc bà muốn định đoạt căn nhà cùng quyền sử dụng đất như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của bà. Việc bố quý khách có đồng ý hay không, không mang tính ảnh hưởng pháp lý đến việc lập di chúc của bà.
Một bản di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ các quy định của pháp luật về di chúc tại Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:
“Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”
Và Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 631. Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.”
Theo những thông tin quý khách cung cấp thì bà nội quý khách hiện không được minh mẫn nên trong trường hợp này việc bà nội quý khách lập di chúc sẽ rất khó để công nhận.
About The Author: VDD Lawyers
More posts by VDD Lawyers