Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.

Kính gởi luật sư tôi có vấn đề này thắc mắc cần giải đáp về giấy phép kinh doanh vận tải. Hiện tại tôi đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Xe bên công ty chúng tôi là xe đầu kéo và được tập đoàn ở trong nam điều chuyển về để hoạt động tại khu vực phía bắc tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải.
Những xe này lúc trước lấy phù hiệu, biển số và đã kinh doanh vận tải tại 1 công ty con khác của tập đoàn ở phía nam. Vậy khi điều chuyển những xe này ra ngoài bắc và thuộc công ty con của chúng tôi thì khi hoạt động kinh doanh vận tải (khi đi đường) sẽ sử dụng giấy phép kinh doanh của đơn vị nào, (công ty lúc trước quản lý, hay công ty chúng tôi). Khi đi đường công an thường hỏi vấn đề này tôi không biết sử dụng giấy phép nào cho đúng. Kính nhờ luật sư tư vấn giùm tôi vấn đề này. Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

2. Luật sư tư vấn:
Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 86/2014/NĐ-CP như sau:
“1. Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.
2. Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh, cụ thể:
a) Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
b) Xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
c) Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.”
Theo đó, phương tiện kinh doanh của công ty bạn là xe đầu kéo đã được chuyển từ trong Nam ra phải thuộc quyền sở hữu của công ty bạn, với điều kiện công ty bạn đã đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật. Khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải bằng phương tiện kể trên sẽ sử dụng giấy phép kinh doanh của công ty bạn chứ không phải công ty quản lý xe trước đó. Bên cạnh đó, công ty bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia vào việc kinh doanh vận tải, được quy định cụ thể tại các khoản 2, 5 và 12 Điều 55 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT như sau:
“2. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, theo hợp đồng, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho xe ô tô tham gia kinh doanh trong danh sách xe do đơn vị đề nghị theo quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư này;
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản, hợp đồng thuê phương tiện giữa thành viên và hợp tác xã nếu xe không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải. Đối với những phương tiện mang biển số đăng ký không thuộc địa phương nơi giải quyết thủ tục hành chính thì Sở Giao thông vận tải nơi nhận hồ sơ phải lấy ý kiến xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải của Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký theo quy định tại khoản 12 Điều này.
c) Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu.
12. Thủ tục xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải
a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị xác nhận về tình trạng của xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 25 của Thông tư này gửi đến Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện mang biển số đăng ký.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận, Sở Giao thông vận tải nơi phương tiện mang biển số đăng ký phải có trách nhiệm xác nhận và gửi tới Sở Giao thông vận tải nơi đề nghị qua fax hoặc email, bản chính được gửi qua đường bưu điện. Trường hợp không xác nhận, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau khi xác nhận, Sở Giao thông vận tải nơi phương tiện mang biển số đăng ký thực hiện gỡ bỏ phương tiện đã xác nhận khỏi hệ thống thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu thực hiện cập nhật phương tiện kể từ khi cấp phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện.”