Trong trường hợp của bạn, quan hệ hôn nhân giữa ông nội bạn và bà hai là hợp pháp, là hôn nhân thực tế (từ năm 1970) theo Nghị quyết 35/2000/NQ-HĐTP.
Xin chào luật sư. Gia đình tôi có một việc cần sự tư vấn của luật sư. Tôi xin tóm tắt như sau. Trước đây năm 1960 gia đình ông nội tôi từ TB đi xây dựng vùng kinh tế mới có khai hoang được mảnh đất và cất nhà trên đó ở. Thành phần gia đình lúc này gồm ông bà và 4 người con: 2 trai 2 gái. Năm 1965 bà nội tôi qua đời, năm 1970 ông nội lấy thêm vợ 2, bà này có 2 con trai riêng.
Hai tháng sau lấy vợ 2 ông bán mảnh đất và nhà đang ở mua mảnh đất khác. Vào tháng 10 năm 2016 ông tôi đột ngột qua đời và không để lại di chúc. Tính đến thời điểm ông qua đời. Ông có 4 người con riêng với vợ cả gồm 2 trai, gái. Có 4 con chung với vợ 2 gồm 1 trai và 3 gái. Hai con trai riêng của vợ hai thì đã chết, một người chết tháng 2/2017. Một người chết tháng 8/2013. Năm 2015 ông tuyên bố cho mỗi người con gái 10 triệu đồng và không được thừa hưởng gì nữa. Tài sản ông để lại gồm 5000 m2 đất và 3000m2 ruộng với giấy quyền sở hữu đứng tên ông. Do gia đình không thống nhất được việc chia tài sản ông để lại. Tôi xin có những câu hỏi muốn luật sư tư vấn như sau. 1. Nếu áp dụng luật để chia tài sản thì 2 người con riêng của vợ 2 ông tôi (đã chết) có được chia phần không. 2. Hiện bà 2 tôi vẫn sống, thì phần được hưởng của bà là một nửa hay một phần như các con trong số tài sản của ông để lại. 3. Nếu đưa ra pháp luật và toà án để phân chia thì phần tài sản còn lại của ông sẽ được phân chia như thế nào. 4. Tài sản 5000 m2 đất mua sau khi bán mảnh đất và nhà năm 1970 có được coi là tài sản riêng của ông nội tôi không. Mong sớm nhận được thư hồi âm của luật sư. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959
Nghị quyết số 35/2000/QH10 Hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình của Quốc hội
2. Luật sư tư vấn:
Trong trường hợp của bạn, quan hệ hôn nhân giữa ông nội bạn và bà hai là hợp pháp, là hôn nhân thực tế (từ năm 1970) theo Nghị quyết 35/2000/NQ-HĐTP.
Do ông nội bạn không để lại di chúc nên di sản do ông nội bạn để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 675 Bộ luật dân sự 2005. Và theo điều 676, bộ luật dân sự 2005 thì:
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy có thể thấy:
Thứ nhất, di sản của ông nội bạn sẽ được chia đều cho vợ 2, 4 người con chung với vợ cả và 4 người con chung với vợ hai. Còn hai người con riêng của bà 2 sẽ không được chia. Tuy nhiên hai người con riêng của bà hai sẽ được hưởng nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng theo Điều 679 Bộ luật dân sự 2005:
Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.
Vậy nếu thuộc trường hợp trên thì con của 2 người con bà hai đã chết sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần của họ theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể:
“Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Thứ hai, Căn cứ theo những quy định pháp luật trên thì bà hai sẽ được hưởng 1 phần di sản bằng với các con trong số di sản ông để lại.
Thứ ba, Do ông bạn mất không để lại di chúc nên toàn bộ khối tài sản của ông để lại đều được chia thừa kế theo pháp luật nêu trên. Việc ông tuyên bố cho mỗi người con gái 10 triệu đồng và không được thừa hưởng gì nữa không có giá trị là di chúc miệng vì theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ:
Điều 651. Di chúc miệng
1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Thứ tư. Di sản là 5000m2 đất mua sau khi bán mảnh đất và nhà năm 1970 không được coi là tài sản riêng của ông nội bạn, do luật hôn nhân gia đình năm 1959 không quy định về tài sản riêng. Ông nội bạn lấy bà hai và sau đó 2 năm mới bán đất bán nhà mua 5000m2 đất, đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
About The Author: VDD Lawyers
More posts by VDD Lawyers