Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

Kính chào luật sư ạ. Em ở thành phố Huế, hôm nay em gửi mail này xin nhờ luật sư tư vấn về trường hợp của mình. Em lấy chồng từ tháng 01/2014, tuy nhiên chồng em thường xuyên cờ bạc rượu chè, sau nhiều lần khuyên răn mà vẫn không thay đồi nên em muốn ly hôn, nhưng vẫn còn một số điểm chưa rõ, xin nhờ luật sư tư vấn giúp ạ.
Về con chung, chúng em chưa có. Về tài sản chung thì cuối năm 2015 chúng em có mua căn hộ chung cư mang tên chung của cả 2 vợ chồng. Hiện giờ thỏa thuận sau khi ly hôn căn hộ này sẽ chuyển quyền sở hữu sang cho em. Tuy nhiên, căn hộ này hiện tại chưa hoàn thành nên chưa có giấy tờ, chưa sang tên. Hiện tại em chỉ có hợp đồng mua nhà bản photo công chứng. Trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào ạ ? Về nợ chung, chúng em có vay ngân hàng gói 30000 tỷ của nhà nước để mua căn hộ trên, thời hạn vay là 15 năm từ 2016 đến 2031 trả góp hàng tháng, cũng thỏa thuận sau khi ly hôn thì em sẽ là người có trách nhiệm trả nợ có đến khi hoàn thành. Về nợ riêng: chúng em thỏa thuận nợ phát sinh trước và cả trong thời gian hôn nhân của riêng người nào thì người đó tự chịu trách nhiệm chi trả.


Tuy nhiên, hiện nay chồng em đã đi khỏi đây, em thì chưa hoàn thành hồ sơ để gửi lên tòa án được, những người cho chồng em vay nợ đến tìm em để dọa dẫm đòi nợ và đến cơ quan làm việc quấy phá làm mất danh dự của em nữa. Em phải xử lý thế nào ạ ? Và trường hợp nếu như chồng em không chịu thỏa thuận, không chịu thuận tình ly hôn thì em phải làm đơn phương, em có thể gửi hồ sơ đến cơ quan nào ạ ? Hiện tại, hộ khẩu của em ở Quảng Trị, em tạm trú tại tp Huế vì em công tác tại đây. Hộ khẩu chồng em ở Nam Định, giấy đăng ký kết hôn ở quê chồng. Kính mong luật sư tư vấn giúp và hồi âm cho em sớm để em có thể xử lý để thoát khỏi tình trạng hiện nay ạ ?
Hiện tại em không thể tập trung làm việc và sống tốt được vì lúc nào cũng lo sợ bị quấy phá. Em cảm ơn nhiều ạ. Chờ hồi âm của luật sư.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình 2014.

2. Nội dung tư vấn
Về vấn đề của bạn chúng tôi chia làm hai trường hợp:
2.1.Trường hợp thứ nhất là hai vợ chồng thuận tình ly hôn.
Như bạn trình bày: Nếu ở trường hợp thuận tình ly hôn thì bạn đang gặp khó khăn ở việc chia khối tài sản chung là căn hộ chung cư mang tên chung của hai vợ chồng. Hiện tại bạn chỉ có bản hợp đồng mua nhà bản photo công chứng. Cả hai đã thỏa thuận sau khi ly hôn, căn hộ này sẽ chuyển quyền sở hữu cho bạn.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì ưu tiên sự thỏa thuận phận chia tài sản giữa hai vợ chồng. Nếu hai vợ chồng mà không tự phân chia được thì tòa án mới phân chia.Nhưng với điều kiện nội dung thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chống không bị tòa án tuyên vô hiệu. Bị vô hiệu trong các trường hợp như vi phạm các điều cấm của pháp luật, xâm hại đến lợi ích của bên thứ ba và nhằm trốn tránh các nghĩa vụ khác.
Như vậy ở trường hợp này cả hai vợ chồng đã thỏa thuận được với nhau về sẽ chuyển quyền sở hữu căn hộ cho bạn. Nhưng căn hộ này chưa hoàn thành, không có giấy tờ, chưa sang tên, đang trong thời gian trả góp ,cả hai vợ chồng thỏa thuận bạn sẽ trả hết phần còn lại của căn hộ.Hướng xử lý là bạn và chồng bạn nên lập một biên bản thỏa thuận về việc xác định quyền sở hữu đối với căn hộ. Trong nội dung bản thỏa thuận phải ghi rõ đia chỉ căn hộ, đặc điểm căn hộ,tình trạng căn hộ, giá trị căn hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với căn hộ sau khi bản thỏa thuận có hiệu lực.Sau khi lập biên bản và có chữ kỹ của chồng bạn, thì bạn nên đưa đến phòng công chứng để công chứng viên sẽ công chứng biên bản thỏa thuận này. Đây được xem như một chứng cứ hợp pháp để tòa xử lý khi có tranh chấp.
Về vấn đề nợ riêng. Vợ chồng cũng đã thỏa thuận thuận nợ phát sinh trước và cả trong thời gian hôn nhân của riêng người nào thì người đó tự chịu trách nhiệm chi trả. Nhưng hiện tại những chủ nợ lại không tìm được chồng bạn để đòi nợ. Mà tìm đến bạn để đòi, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sông riêng của bạn. Để không bị quấy rối thì trước hết bạn nên báo công an để có được sự hỗ trợ trước mắt, để ổn định cuộc sống của bạn. Bằng việc ghi âm, ghi hình lại những hành vi làm ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự nhân phẩm của bạn. Để công an có cơ sở xử lý. Còn lâu dài thì bạn nên sớm hoàn thành các thủ tục và hồ sơ để đưa vụ án ra tòa để đảm bảo những quyền lợi cho bạn.
2.2.Trường hợp thứ hai là ly hôn theo yêu cầu của một bên.( Vợ hoạc chồng không nhất trí việc ly hôn)
Việc tòa án sẽ thụ lý hồ sơ của bạn được pháp luật quy định như sau:
“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Như vậy, nếu bạn là người nộp đơn xin ly hôn thì bạn sẽ là nguyên đơn còn chồng bạn sẽ là bị đơn. Sau khi tòa hòa giải không thành thì bạn có thể nộp một đơn xin ly hôn một trong hai nơi. Nếu như hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận được việc yêu cầu ly hôn ở nơi cư trú làm việc của bạn thì Toàn án nhân dân huyện ở Huế. Còn nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể nộp đơn tại tòa án nhân dân huyện , nơi chồng bạn đăng ký thường trú thuộc tỉnh Nam Định nếu không xác định được nơi làm viêc của chồng bạn.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.