Vấn đề bạn cần tư vấn liên quan đến việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp hai bên không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

Xin chào luật sư, Tôi là thắng năm nay 31 tuổi, người dưới tỉnh vào sài gòn lập nghiệp. Hai vợ chồng dự định qua năm 2017 sẽ mua 1 căn nhà nhỏ để ở, lấy chỗ trú mưa trú nắng. Nhưng khoảng thời gian từ quý iv/2016 và đầu năm 2017, đất đai tăng giá chóng mặt. Có người quen biết giới thiệu một mảnh đất 100m2 tại xã bà điểm, huyện hóc môn, tp hcm.
Giá chỉ khoảng 400 triệu nhưng là do đất ngày xưa khai hoang và không có chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng tại đó người chủ đã bán gần hết, những người mua cũng đã cất nhà tạm( bên ngoài là tôn nhưng bên trong đã xây kiên cố). Giấy tờ mua bán chỉ là giấy tờ tay giữa chủ đất và người mua. Xin được nhờ luật sư giải đáp giùm những câu hỏi như sau:
1/ nếu xảy ra tranh chấp sẽ như thế nào?
2/ về lâu dài, những hộ gia đình tại đây có thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dc không ?

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Luật Đất đai 2013
Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

2. Luật sư tư vấn:
Vấn đề bạn cần tư vấn liên quan đến việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp hai bên không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.
Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định của Luật Đất đai thì các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan hành chính để được giải quyết. Cơ quan hành chính các cấp giải quyết tranh chấp đất đai.
Để việc tranh chấp được giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, hai hộ tranh chấp phải chủ động gặp gỡ để tự hòa giải, nếu không thỏa thuận được thì thông qua hòa giải cơ sở để giải quyết. Trường hợp tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Theo quy định của pháp luật, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.