Với những thông tin quý khách cung cấp thì chúng tôi chưa thể đưa ra sự tư vấn chính xác cho quý khách

Tôi muốn hỏi luật sư một việc: cha mẹ tôi có một mảnh đất khoảng 2 sào rưỡi (sổ đỏ đứng tên cha tôi). Từ năm 1993 đến 1995 cha mẹ tôi cho tôi và anh trai tôi làm chung (trồng cây thanh long). Đến năm 1996 cha mẹ tôi bảo chia ra làm hai phần (phần sau cho anh trai tôi, phần trước cho tôi vì là đất mặt tiền), phần ai nấy làm. Đồng thời cha mẹ có hứa sẽ cho tôi và anh trai tôi luôn. Trong thời điểm này anh trai tôi và tôi đều ở riêng hết. Đến năm 2009, cha tôi bị bệnh tai biến mạch máu não, lúc đó mẹ tôi bảo vợ chồng tôi tới lui chăm sóc, nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ, trông coi nhà cửa cho cha mẹ.
Năm 2010 mẹ tôi bảo anh trai tôi đem sổ đỏ (giấy chứng nhận sử dụng đất) lên uỷ ban nhân dân xã để tách thửa đất mỗi người một phần. Lúc đó anh trai tôi gọi tôi lên xã để ký tên. Sau đó người ở xã có xuống nhà cha mẹ tôi đo đạc và bảo cha mẹ tôi ký tên. Trong khoảng thời gian này anh trai tôi tự ý lên ubnd xã muốn chia thêm 150 m2 đất thổ cư (với lý do đất anh trai tôi ở phía sau không có mặt tiền. Ubnd xã họ không dám làm vì đó là phần đất của tôi ở mặt trước 300m2 thổ cư. Vậy mà anh trai tôi tự ý lấy sổ đỏ về không chịu tách sổ nữa mà không cho tôi hay biết gì. Rồi từ đó thời gian cứ trôi, tôi cũng lo làm ăn, cứ nghĩ từ từ ubnd xã họ sẽ làm sổ đỏ. Mãi đến đầu năm 2016. Cha me tôi không muốn vợ chồng tôi ở chăm sóc nữa. Đuổi vợ chồng tôi về nhà, bảo anh trai tôi xuống chăm sóc cho đến hôm nay. Lúc này mẹ tôi lại nói:” bảo tôi trả lại một phần mảnh đất lúc trước cha mẹ hứa cho tôi” để lại cho anh trai tôi hết. Hiện tại bây giờ anh trai tôi mang giấy tờ ( sổ đỏ) lên ubnd xã sang tên cho mình đứng tên mà không cho tôi hay biết. Vậy tôi muốn hỏi luật sư nếu như anh trai tôi muốn sang tên từ cha tôi ( hoặc mẹ tôi), muốn làm di chúc để lại hết toàn bộ mảnh đất cho anh trai tôi đứng tên có được hay không. Anh trai tôi tự ý lấy sổ đỏ về trong khi cha mẹ tôi đã phân chia rồi có vi phạm pháp luật trong điều mấy khoảng mấy luật đất đai không. Bây giờ tôi phải làm gì để lấy lại phần đất cha mẹ hứa cho lúc trước. Mong các luật sư tư vấn cho tôi một lời khuyên. Chân thành cảm ơn luật sư.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội

2. Luật sư tư vấn:
Với những thông tin quý khách cung cấp thì chúng tôi chưa thể đưa ra sự tư vấn chính xác cho quý khách. Chúng tôi sẽ tư vấn theo trường hợp để quý khách xem xét cho phù hợp.
Thời điểm bố mẹ quý khách thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất (bất động sản) là vào năm 2010 nên pháp luật áp dụng, điều chỉnh việc tặng cho phải được thực hiện theo Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định về tặng cho bất động sản như sau:
“Điều 467. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”
Như vậy, việc tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực và phải thực hiện việc tách thửa để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai anh em quý khách.
Vì quý khách chưa cung cấp được hợp đồng tặng cho có công chứng hoặc chứng thực nên trong trường hợp này, chúng tôi chia thành hai trường hợp nhỏ sau:
Trường hợp nhỏ 1: Quý khách có hợp đồng tặng cho bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực
Nếu quý khách có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng hoặc chứng thực và tính đến nay bố mẹ quý khách không có đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của hợp đồng tặng cho thì hợp đồng tặng cho đó vẫn còn hiệu lực và quý khách hoàn toàn có quyền yêu cầu anh trai giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ để thực hiện tiếp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Việc anh trai quý khách tự ý lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ngăn cản thủ tục tách thửa để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm quyền công dân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của quý khách.
Trường hợp nhỏ 2: Quý khách không có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bằng văn bản đã được công chứng hoặc chứng thực
Nếu như vây, hợp đồng tặng cho miệng hoặc văn bản đó không hợp pháp và thực tế hợp đồng đó chưa được thực hiện, quyền sử dụng diện tích đất nêu trên vẫn thuộc về bố, mẹ quý khách. Mà theo dữ liệu quý khách đưa ra, bố quý khách mất năm 2009 mà không để lại di chúc do đó phần di sản của bố quý khách sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể Điều 623, 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Do đó có thể xác nhận quý khách cũng là người có quyền lợi ở trong khối tài sản này, việc anh trai quý khách tự mình cấp giấy chứng nhận mà không thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế là chưa đúng theo quy định pháp luật.