Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực.

Cháu chào luật sư. Cháu tên Linh năm nay cháu 19 tuổi. Hôm nay vào lúc chiều cháu có đi chợ và vào cửa hàng quần áo thử đồ. Trong khi thử cháu có mang balo đi học vào trong vì sợ để ngoài bị mất vì quán đông, cháu thử ba cái váy cái đầu tiên, cháu thử nhưng quá rộng và không hợp nên đã thay để trong chỗ thử đồ và quên không mang ra và 3 cái sau cháu rất ưng nên mang ra hỏi giá tiền nhưng quá số tiền cháu mang theo nên cháu xin khất không lấy nữa.
Cô chủ quán cứ nói đi nói lại và nói cháu mua. Vì cháu là người tỉnh khác và còn trẻ nên cháu sợ bị chửi vì thử nhiều mà không mua nên cháu gọi bạn đến đón và định nhờ bạn trả tiền hộ. Lúc này cháu chợt nhớ chưa mang balo ra nên vội chạy vào phòng thay đồ lấy. Cháu cũng không mở balo ra xem. Khi bạn cháu đến thì bạn ấy bảo bạn quên không mang tiền vì lúc cháu gọi bạn đang phụ cô chở hàng ra chợ. Nên bảo đưa cháu về rồi bạn ấy về lấy tiền rồi quay lại lấy váy cho cháu sau vì trời tối rồi. Cháu định về thì cô chủ quán cứ giữ lại bảo bạn cháu cứ về còn cháu ở lại đây. Cô cứ lôi balo của cháu lại và cháu không hiểu gì. Rồi cô ấy giật balo của cháu mở ra và lấy ra cái váy đầu tiên cháu thử và hô cháu là ăn cắp và đòi cháu đền vì tội ăn cắp đó là 3 lần giá trị cái váy là 600 nghìn. Và bắt cháu thanh toán luôn hai cái váy cháu hỏi mua lúc trước tổng cộng gần 1 triệu đồng. Nếu không sẽ đưa cháu lên công an. Cháu rất sợ thật sự cháu không biết gì cả cháu không hề lấy. Bạn cháu đành về lấy tiền và thanh toán cho bà ấy. Mọi người xung quanh cứ nhìn cháu khinh thường và chửi cháu. Và bảo đánh rồi bắt lên công an cháu rất sợ. Cháu rất hoảng loạn không biết làm như thế nào chỉ đứng đấy. Vì cháu nói không biết không ai tin cả. Sau đó bạn cháu đưa cháu về. Cháu nhớ ra trong lúc đi ra ngoài để soi gương thì con gái cô chủ cửa hàng có vào chỗ cháu thay đồ một lúc. Cô bé đi ra cầm móc và nói là sao trong phòng thay đồ nhiều móc thế. Lúc đấy cháu quay ra nhìn và cũng không để ý. Cháu không biết nữa. Cháu thật sự không lấy nhưng do bà chủ lấy ra cái váy trong balo của cháu nên cháu không làm gì được. Cháu thật sự bị oan. Cháu nghĩ không sao vì cháu không ở đây. Không quen họ nên không sợ. Chuyện qua rồi. Nhưng cháu rất ấm ức. Cháu không lấy sao phải chịu tiếng xấu như thế. Cháu phải làm sao để minh oan được ạ. Liệu có cách gì chứng minh cháu vô tội không. Cháu thấy danh dự của cháu không còn nữa. Cháu rất mong luật sư cho cháu lời khuyên. Liệu có phải như cháu đã hoàn toàn là người có tội hoàn toàn là kẻ cắp và không cách nào chứng minh. Cháu không hiểu nữa. Tại sao cái váy nó ở trong balo của cháu. Cháu phải làm sao ạ. Có cách nào giúp cháu được không. Hay cháu chỉ biết chấp nhận bị oan và bị bắt chẹt tiền công khai vừa mang tiếng là đứa ăn trộm.

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bồ sung năm 2009

2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 138 BLHS 1999 về tội trộm cắp tài sản có quy định như sau:
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Do đó, theo quy định của BLHS năm 1999, tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành vật chất. Tức là một người bị coi phạm tội trộm cắp tài sản khi đã thực hiện hành vi lén lút và chiếm đoạt được tài sản của người khác. Hơn nữa, tội trộm cắp tài sản bắt buộc người phạm tội phải có mục đích chiếm đoạt tài sản. Mặc dù có hành vi, hậu quả xảy ra nhưng không có mục đích chiếm đoạt thì cũng không cấu thành tội này. Theo những thông tin bạn cung cấp, thì bạn chỉ mang balo vào trong cửa hàng và thử đổ xong bạn không cố ý để balo phía trong phòng thử đồ, một lúc sau bạn mới nhận thấy mình quên ba- lô. Bạn không có mục đích từ đầu vào lấy trộm đồ và hoàn toàn tỏ thiện chí muốn mua chiếc váy mặc dù bà chủ cửa hàng đã dùng mọi cách ép bạn mua nó. Điều quan trong là giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng, chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Về hành vi đe dọa, tố cáo bạn trong trường hợp này với cơ quan công an nhưng phía chủ cửa hàng chỉ cung cấp chứng cứ là chiếc váy nằm trong ba lô của bạn, điều này chưa đủ căn cứ chứng minh về hành vi của bạn là lén lút chiếm đoạt tài sản một cách có chủ ý.
Theo đó, căn cứ tại điều 122 Bộ luật hình sự quy định về tội vu khống như sau :
“Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo đó, một hành vi được coi là vu khống cho người khác khi có những biểu hiện sau đây:
– Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực.
– Tuy không tự đưa ra các thông tin không đúng sự thực nhưng có hành vi loan truyền thông tin sai do người khác tạo ra mặc dù biết rõ đó là những thông tin sai sự thực.
Đối với cả hai trường hợp trên, nội dung của thông tin sai sự thực phải thể hiện sự xúc phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Loan truyền thông tin sai sự thực có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác …
– Bịa đặt người khác là phạm tội và tố cáo họ trước các cơ quan có thẩm quyền. Đây là một dạng đặc biệt của hành vi vu khống. Đối với dạng hành vi này, tính nguy hiểm cho xã hội của tội vu khống phụ thuộc nhiều vào loại tội bị vu khống. Bộ luật Hình sự quy định vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là cấu thành tăng nặng với mức hình phạt từ một năm đến bảy năm tù.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì bà chủ cửa hàng không đưa ra được chứng cứ bạn là người trực tiếp và có mục đích lấy trộm đồ mà có chủ ý lôi chiếc ba lô và bắt bạn ở đó khi bạn của bạn trong quá trình về lấy tiền trả. Việc bắt bạn bồi thường với số tiền 600 nghìn đồng và đe dọa đưa bạn lên công an tố cáo là không đúng, bạn có thể đề nghị cơ quan công an xác minh và làm rõ hành vi cố ý xâm phạm tài sản của bạn khi chưa được cho phép, trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh chỉ được coi là hợp pháp nếu được thu thập đúng trình tự, thủ tục luật định.